CÁC KỸ NĂNG HỌC GIỎI
Sau Bí quyết học giỏi ở trường, tác giả Tony Buzan tiếp tục gửi tới các em những phương pháp ôn tập thú vị và hiệu quả thông qua cuốn sách Các kỹ năng học giỏi. Tony Buzan (sinh năm 1942 tại Anh) là tác giả và đồng tác giả của hơn 92 đầu sách được dịch ra trên 30 thứ tiếng với ba triệu bản đang được bán ở 100 quốc gia. Ông nổi tiếng trên thế giới với phương pháp Bản đồ Tư duy và là tác giả của bộ sáchBản Đồ Tư Duy cho Học sinh, cùng nhiều đầu sách nổi tiếng khác. Trong đó, bộ sách Bản Đồ Tư Duy cho Học sinh gồm 3 cuốn: Bí quyết học giỏi ở trường, Các kỹ năng học giỏi và Tăng trường trí nhớ và khả năng tập trung, được bình chọn là một trong 10 cuốn sách hướng dẫn tốt nhất trên tờ The Independent.
Lâu nay, không ít học trò than phiền rằng dù có dùng cách nào thì việc ôn tập vẫn thật nhàm chán. Theo Tony Buzan, sở dĩ có tình trạng đó là do các em sử dụng bộ não của mình chưa đúng, khiến bộ não – vốn rất tuyệt vời, sáng tạo và mạnh mẽ – thấy mệt mỏi, uể oải. Và Bản đồ Tư duy, được xem là một loại bản đồ đặc biệt “thân thiện” với bộ não sẽ giúp các em tư duy, tưởng tượng, ghi nhớ, lên kế hoạch và phân loại thông tin; từ đó việc ôn tập của các em trở nên hứng thú và hiệu quả hơn.
Lần này, cũng với bút màu, giấy không đường kẻ và… bộ não, các em đã có thể thiết lập cho mình một chiếc bản đồ, phục vụ cho việc ôn tập. Trên thực tế, khi làm bài tậpvề nhà và ôn bài, các em chủ yếu dùng phần bán cầu não trái cho các việc như tư duybằng ngôn ngữ, con số và trình tự mà ít để cho bán cầu não phải hoạt động. Điều đó thật phí phạm vì các em vẫn có thể sử dụngbán cầu não phải để hoàn thành xuất sắcbài tập, giúp cho việc ôn tập và đạt kết quả tốttrong các kỳ thi.
Trong Các kỹ năng học giỏi, Tony Buzan cho rằng: không biết cách ôn tập hiệu quả, các em sẽ quên hết 80% những gì các em vừa học trong ngày. Để tránh tình trạng này, Tony Buzan khuyên các em chỉ cần ôn đi ôn lại 5 lần: Lần thứ nhất là khoảng 1 giờ sau khi đọc xong cuốn sách hay kết thúc giờ học ở trường; Lần thứ hai là vào ngày hôm sau; Lần thứ ba là vào khoảng một tuần sau đó; Lần thứ tư là một tháng sau và lần thứ năm là vào sáu tháng sau. Khi đó, kiến thức đã mãi mãi nằm trong đầu các em. Tuy nhiên để các em nhớ được mình cần xem lại những gì và vào lúc nào, thì lúc đó Bản đồ Tư duy sẽ giúp các em giải quyết vấn đề này.
Với tờ giấy trắng không dòng kẻ, các em chỉ cần vẽ chủ đề chính ngay giữa tờ giấy cho tấm Bản đồ Tư duy. Từ một ý tưởng chính (cấp 1), các em dùng trí não của mình để đưa ra những ý tưởng chi tiết (cấp 2), rồi triển khai thêm nhiều ý tưởng chi tiết hơn (cấp 3). Bằng trí tưởng tượng của mình, các em cũng có thể dùng bút màu và vẽ những hình ảnh đơn giản minh họa cho chủ đề.
Khi đã có một bản đồ tư duy trước mặt, các em hoàn toàn có thể tự tin trước những bài học của mình. Bởi vì thay bằng phải đọc từng hàng chữ đen thẳng đều trên trang giấy trắng mà không có bất cứ một hình ảnh hay màu sắc thú vị nào để kích thích trí tưởng tượng, hoặc chỉ đơn giản là để làm vui mắt nhìn. Còn với bản đồ tư duy, do sử dụng cả màu sắc và hình ảnh, giúp các em tư duy bằng cả hai bán cầu não, nhờ vậy mà việc tư duy, lập kế hoạch, sắp xếp và ghi nhớ trở nên dễ dàng hơn.
Với cuốn sách lần này, Tony Buzan không chỉ giúp các em ôn bài có hiệu quả, mà còn giúp các em trải qua kỳ thi với tâm trạng thoải mái nhất. Theo Tony Buzan, khi đã ôn bài xong, các em nên dành một chút thời gian cho việc giải lao bằng cách chơi đùa với vật nuôi hoặc nói chuyện với bạn bè. Các em cũng có thể giải lao bằng cách vận động như tập thể dục để giúp cơ thể hấp thu thêm khí ôxy cung cấp cho não bộ. Chính từ việc giải lao này sẽ giúp các em tỉnh táo, nhanh nhẹn và suy nghĩ sắc sảo hơn. Tuy nhiên, các em chỉ nên dành từ 5-10 phút giải lao, sau đó phải trở lại ôn tập ngay, tránh để những trò vui lôi kéo làm ảnh hưởng tới việc ôn tập của mình.