Tôi đã viết khá nhiều sách, một số là sách tiểu sử, một số là tiểu thuyết. Lạ thay, ở Pháp tôi lại có tiếng là tiểu thuyết gia trong khi ở Anh và Mỹ thì sáng tác của tôi lại ít thành công, còn sách tiểu sử lại được đón nhận tốt. Ngoại lệ duy nhất là một truyện đã xuất bản từ năm 1931 – Người Cân Linh Hồn. Ý tưởng của câu chuyện này, hoàn toàn hư cấu, đã nảy sinh trong Đệ nhất Thế chiến. Nhiều bằng hữu và người thân của tôi đã thiệt mạng vì chiến tranh nên việc tôi hay nghĩ đến cái chết có lẽ là điều tự nhiên. Giai đoạn ấy tôi có đọc trên một nhật báo có hai dòng tin tức về một bác sĩ điên nào đó đã cân tử thi của những người vừa lìa đời, nhưng phải rất lâu (bảy hay tám năm sau) ý tưởng truyện này mới hình thành. Rồi một hôm, ở London, tôi gặp một bác sĩ người Anh đúng ngay mẫu nhân vật mà tôi cần đến, và nhờ động lực này mà truyện được viết xong trong vòng hai tuần. Nhiều độc giả cứ tin là chuyện có thật. Ngay cả bây giờ, sau hơn 30 năm, tôi thỉnh thoảng vẫn nhận được một bức thư hay điện tín từ một nước xa xôi, hỏi rằng: "Người Cân Linh Hồn có thật không?” Khi viết, tôi đã dốc lòng viết sao cho câu chuyện đáng tin và thậm chí còn nhờ một bác sĩ Pháp danh tiếng thời đó, Jean Perrin, nghĩ ra cho tôi một kiểu thiết bị khoa học, một yêu cầu mà ông ấy đã thực hiện vui vẻ và chu đáo.