Giới thiệu sách :
Đường Mây Trong Cõi Mộng
Đại sư Hám Sơn (1546 -1623) là một trong bốn vị thánh tăng đã có công phục hưng và phát triển Phật giáo trong triều đại nhà Minh (Trung Quốc). Cuộc đời hành đạo đầy gian khổ của Đại sư gắn liền với những biến cố chính trị của lịch sử Trung Hoa cũng như hoàn cảnh suy đồi của Phật giáo thời bấy giờ. Đại sư Hám Sơn là người có công đóng góp rất lớn cho việc chấn hưng Phật giáo thời nhà Minh, mở ra hướng đi mới cho Phật giáo sau một thời gian dài suy thoái. Nhờ cuộc đời tu trì Thiền – Tịnh song tu và công phu hoằng pháp của ngài cùng với các vị cao tăng khác cùng thời, Phật giáo Trung Hoa ngày càng khởi sắc theo tinh thần dung thông, hợp nhất các tông phái.
Đại sư Hám Sơn cũng được coi là người có công đặt nền móng cho tư tưởng “tam giáo đồng nguyên” (sự hòa hợp giữa Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo) khởi phát cho đến ngày nay. Mà ở đó mỗi biến chuyển trong cuộc đời tu hành mẫu mực của ngài là một bài học quan trọng, đáng cho đại chúng suy ngẫm, học hỏi.
Ngoài việc cung cấp thông tin đầy đủ, quan trọng về cuộc đời của đại sư Hám Sơn, cuốn sách còn có nhiều giá trị ở mặt sử liệu, cung cấp những góc nhìn khác biệt về thời cuộc chính trị với nhiều nhiễu nhương, đặt ra câu hỏi Phật giáo hưng thịnh có phải vì có nhiều chùa và đông chư tăng hay không?
Đường mây trong cõi mộng được GS. John Vu - Nguyên Phong và Hòa thượng Thích Hằng Đạt kỳ công biên tập từ ấn bản tiếng Anh A Buddhist Master In Dreamland của Charles Luk, là bản dịch từ cuốn Hám Sơn Đại sư Mộng du tập và cuốn Chan Master Han Shan’s Autobiography của Lu Kuan Yu (bản dịch từ cuốn Hám Sơn Lão nhân Tự sự Niên phổ), đồng thời khảo cứu nhiều tư liệu lịch sử quan trọng khác về tình hình Phật giáo và triều đại nhà Minh của Trung Quốc.
Đường Mây Trên Đất Hoa
Cuộc đời tu tập và hành đạo kéo dài suốt một trăm hai mươi năm của Hòa thượng Hư Vân không chỉ là tấm bản đồ chỉ dẫn cho những người muốn tu tập, mà còn là một bức tranh sống động mô tả rõ tình trạng của Phật giáo tại Trung Hoa cuối thế kỉ thứ mười chín. Ngoài giá trị về Phật học, nó còn mang giá trị rất lớn về mặt sử liệu, vì Hòa thượng Hư Vân ra đời vào lúc các nước đế quốc đang xâu xé Trung Hoa (1840) và ngài qua đời vào năm 1959, sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời (1949). Ngài đã chứng kiến năm triều đại nhà Mãn Thanh, Chiến tranh Nha phiến (1839-1842 và 1857-1860), Hòa ước Nam Kinh, Chiến tranh Thanh- Nhật (1894-1895), cuộc nổi dậy Thái Bình Thiên Quốc và Nghĩa Hòa Đoàn (1899-1901), Cách mạng Tân Hợi (1911) và Chiến tranh Trung – Nhật (1937-1945). Ngài đã trải qua những nội ưu ngoại hoạn của thời thành lập Trung Hoa Dân Quốc, cuộc chiến tranh Nam – Bắc và Ngũ Tứ vận động. Ngài đã chia sẻ những hổ đau kinh hoàng của dân chúng trong trận Thế chiến thứ nhất và thứ hai, cũng như cuộc tranh chấp giữa các phe phái quân phiệt và đảng phái.
Bất chấp mọi khó khăn trở ngại, tình hình chính trị xáo trộn, ngài vẫn ung dung hoằng pháp, xây dựng lại những tự viện, chùa chiền đổ nát vì chiến cuộc, chấn hưng Phật giáo, đào tạo Tăng tài, xây dựng lại căn nhà Pháp cho bền vững. Ngài đã xây cất hàng chục cảnh chùa, trùng tu hàng trăm tháp Tổ, dạy dỗ hàng ngàn tăng chúng và truyền giới cho hàng trăm ngàn người. Ngài không những đã đi khắp Trung Hoa hoằng dương Phật đạo mà còn qua cả Xiêm La, Tây Tạng, Ấn Độ, Nam Dương, Mã Lai, Miến Điện để làm Phật sự.
Trong suốt cuộc đời hành đạo, ngài luôn luôn khiêm tốn nhẫn nhục, chịu đựng mọi sự bất hạnh mà không một lời oán than, ngay cả khi bị hành hạ, tra tấn chết đi sống lại, ngài vẫn chỉ một lòng niệm Phật. Cuộc đời tu học của ngài là cả một công phu với những cố gắng phi thường. Tuy thăm viếng, học hỏi rất nhiều ở các bậc thiện tri thức nhưng ngài đã chứng đắc hoàn toàn nhờ vào những nỗ lực cá nhân. Ngài chứng nhất tâm khi thực hành tam bộ nhất bái, đạt kiến tánh khi chịu khổ nhục tại chùa Cao Mân. Nhờ ngài mà các truyền thống tu tập cổ xưa đã được khôi phục, đem lại một sinh khí mới cho Phật giáo Trung Hoa lúc đang ở trong tình trạng suy đồi.
Quyển Đường mây trên đất Hoa được chia làm ba phần, phần thứ nhất là do chính Hòa thượng Hư Vân kể lại đời mình cho các đệ tử ghi chép, phần hai là do các đệ tử của ngài ghi lại những sự việc xảy ra sau đó và phần thứ ba là lời giảng dạy của Hòa thượng trong hai khóa thiền nhất.
Thông tin chi tiết :
Nhà xuất bản |
Tổng Hợp TP HCM |
Tác giả |
Thích Hằng Đạt,Nguyên Phong |
Kích thươc |
14.5 x20.5 cm |
Số trang |
448 + 320 |
Ngày Phát hành |
2020 |
Danh mục |
Sách tâm linh - Thiền |